Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

Chu Quang Hiển: Bến xưa miên man ký ức ngọt ngào

 Chu Quang Hiển có nhiều bài thơ hay, nhưng gây được sự chú ý và ấn tượng nhất trong tôi là bài Bến xưa- Anh viết tháng 9/2012


Xa nhau từ độ ấy
Ai ngờ mãi xã nhau
Bến xưa thành bến đợi
Duyên ta lỡ nhịp cầu

Nước dưới sông vẫn chảy
Trăng khuyết tròn tháng ngày
Lời thề xưa văng vẳng
Như vẫn còn đâu đây ?

Chẳng biết ai lỡ hẹn
Nước trôi bến còn đây
Soi mình in bóng nước
Tình bồng bềnh trong mây

Bến sông này mãi đợi
Người ơi người có hay
Một thời cùng trang lứa
Tình trao tay nắm tay..

Xa nhau từ buổi ấy..
Một chiều gió heo may
Để trong ta nồng ấm
Mãi tình ai tháng ngày

Mấy mươi mùa xa cách
Bến xưa trở lại đây
Tìm trong miền ký ức
Tình miên man vơi đầy…!!!
Chu Quang Hiển 9/2012

Lời bình: Hương Giang
Tôi chỉ là người yêu thơ, thích thơ chứ làm thơ thì vọc vạch đôi bài chưa đâu vào đâu; Nhưng đọc Bến xưa  của Chu Quang Hiển tôi thấy như có mình trong đó. Một thời trai trẻ, một thời yêu mãnh liệt của mình, và tôi tin có rất nhiều bạn đọc suy nghĩ như tôi. Chỉ có điều họ không nói thành lời, không diễn đạt được bằng thơ như Chu Quang Hiển. Cái tài của Chu Quang Hiển là nói tiếng nói của mình nhưng lại lồng tiếng nói chung của“ Một thời cùng trang lứa”…
Lấy tựa đề về Bến xưa để viết, để tả về chữ tình không phải không có người chạm đến, tôi đã tạm tổng hợp có tới gần 200 bài với tên gọi “ Bến xưa” như tác giả: Vũ Duy Hiển, Sương Anh, Phạm Sĩ Trung, Bạch Loan, Lê Viết Tự, Nguyên Trạch, Thái Cơ…vv
Bến xưa của Chu Quang Hiển có chất thần thái riêng, hồn thơ riêng của người từng nếm chải sương gió đường đời, từng yêu- từng chia xa nhưng nồng nàn mãnh liệt và ấm áp chân tình.. Như con sóng bên sông cứ ào ạt đạp vào lại xô ra từng nhịp khôn nguôi, bài thơ 6 khổ, 5 chữ một, tự nhiên như dòng chảy, tự nhiên như nhịp điệu tháng ngày như sóng nước của dòng sông. Có lẽ vì anh sinh ra bên bến sông quê (Đất HoàngVân- Hiệp Hòa- Bắc Giang) dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy, nhưng có lúc dào dạt đến ấm nồng để tình người, tình đời đã lặn vào thơ anh như vậy…??? và tôi cùng bạn đọc có một Bến xưa như thế- Bến xưa của Chu Quang Hiển
Ngay khổ thơ đầu anh viết:
Xa nhau từ độ ấy
Ai ngờ mãi xa nhau
Bến xưa thành bến đợi
Duyên ta lỡ nhịp cầu..
Khổ thơ 5 chữ mà nghe cứ như ca dao mới lạ: Xa nhau từ độ ấy… Ai ngờ mãi xa nhau…Xa nhau (từ bao giờ- xa nhau từ độ ấy)…Độ ấy không ấn định năm nào tháng nào? Chỉ có người trong cuộc, chỉ có anh và cô gái ấy mới thấu hiểu khoảng khắc thời gian cụ thể…Độ ấy đã lặn vào sâu trong trái tim tác giả và nhân vật của bài thơ…Câu thứ 2 đã thành xa cách, xa cách đến muôn trùng xã mãi… Ai ngờ mãi xa nhau…Vâng- chữ (mãi) là cốt lõi của vấn đề…Anh xa em rồi..Ta mãi mãi xa nhau..Một miền đau em ơi, nhưng anh tin ở nơi em, một Bến xưa đã mãi đợi…Đọc đến đây chúng ta chưa biết lý do tại sao, tại sao lại xa nhau và còn : Ai ngờ ( thật không ngờ) ta mãi xa nhau…Và trên thực tế đường đời họ đã xa nhau thực sự- xa nhau ôm trọn một miền đau day rứt… Nhưng em ơi chiến trường xa vẫy gọi bước quân hành…
Tác giả Sương Anh viết trong Bến xưa của mình:
Bến cũ đò ngang nước lặng im
Vầng trăng nhớ bạn đáy sông chìm
Câu hò văng vẳng nghe buồn lạ
Tiếng hát não nề buốt nhói tim..
Nhưng Chu Quang Hiển đã nhìn cảnh vật mà khẳng định cách khác: Bến xưa thành bến đợi …Bởi con đò xưa tròng trành còn đó, Bến sông còn đó, nhưng người cũ đâu rồi…?
Bến xưa thành bến đợi- Duyên ta lỡ nhịp cầu.
Yêu nhau ai mà chẳng muốn thành đôi lứa, muốn nắm bàn tay nhau đi trọn cuộc đời này, nhưng Bến xưa của Chu Quang Hiển đã chứng kiến họ chia tay nhau lần cuối…Bến xưa minh chứng cho cuộc tình này.
Xa nhau từ độ ấy
Ai ngờ mãi xa nhau
Bến xưa thành bến đợi
Duyên ta lỡ nhịp cầu
Tác giả và người ấy đã không thành duyên…
Một mình đứng bên dòng sông xưa, bến xưa mà cảm nhận, rõ ràng
“Nước dưới sông vẫn chảy…Dòng nước ấy đâu ngừng trôi, trăng khuyết trăng lại tròn qua ngày tháng, lời thề còn đâu đây, văng vẳng như tiếng gió, tiếng sóng, tiếng thì thào của lá cây đa già,cây gạo bên bến sông, càng nghe càng rõ, gần lắm gần lắm
Lời thề xưa văng vẳng
Như vẫn còn đâu đây ?
Rồi anh nối tiếp: Tự trách mình, tự trách người…
Chẳng biết ai lỡ hẹn..?
Nước trôi- bến còn đây…Tự soi mình trong bóng nước, một thời trai trẻ, chiến tranh, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bao thanh niên trai tráng đã lên đường ra trận gìn giữ non sông, có người trở về mang trên mình thương tật, có người mãi mãi không về- có người không một dòng tin tức- Nhưng Chu Quang Hiển đã về:
Soi mình in bóng nước
Tình bồng bềnh trong mây…
Chỉ có bến sông là chung thủy đợi chờ, Bến không di chuyển, bến đợi người về, mặc nắng mưa bão giông bến vẫn đợi, nhưng người con gái không thể đợi: Đò đầy đò phải sang sông…Đến duyên em phải lấy chồng người ơi !!! Tôi cảm thông, bạn cảm thông cho người con gái đã mỏi mòn đợi chờ, nhưng sự mỏi mòn của cô gái thì hữu hạn.. không kiên gan như bến đợi, bởi sắc xuân đã cạn dần (gạt nước mắt em đã sang đò..…( Con sáo… Đã sang sông giữa một chiều hanh hao cạn gió).
Bến sông này mãi đợi
Người ơi người có hay
Một thời cùng trang lứa
Tình trao tay nắm tay…
Chu Quang Hiển đã hiểu đến tường tận người con gái ngày ấy: Bến sông này mãi đợi…Người ơi người có hay? ( anh hiểu mà em, đường hành quân miên man, giữa bom cày đạn réo…Thương em nước mắt chàn…)
Bến xưa trong thơ Bạch Loan lại viết:
Em về ghé bến sông xưa
Bờ hoang bãi quạnh gió mưa bời bời…
Nhưng đối với Chu Quang Hiển cách nhìn bến xưa rất khác, cái khác là không có màu cỏ úa, không có gió mưa bời bời, cái nhìn lạc quan ấm áp sẻ chia…
Về lại bến xưa với chu Quang Hiển là cảm giác tay trong tay mềm mại và nồng ấm còn mãi…Và xa nhau từ độ ấy..Đã chuyển sang xa nhau từ buổi ấy ( gần hơn, rất gần như mới ngày hôm nào thôi, mình ơi).
Xa nhau từ buổi ấy..
Một chiều gió heo may
Vâng một chiều gió heo may ( Giống như một chiều em đã sang sông) …Như dòng đời … Tác giả cũng đã sang tuổi xế chiều…Anh đã lập gia đình là lẽ đương nhiên, nhưng cảm nhận khi bên bến xưa còn ấm mãi, còn trân trọng ấm nồng.
Để trong ta nồng ấm
Mãi ….Tình ai tháng ngày…
( Khổ thơ đầu là giận thương: Ai ngờ mãi xa nhau…Nhưng khổ gần cuối vẫn bến xưa lại là:
Để trong ta nồng ấm
Mãi ….Tình ai tháng ngày…
Từ (mãi) ở khổ thơ này là một từ được cân nhắc kỹ lưỡng và đặt ở một hoàn cảnh rất đắt, đạt ý, đạt tình.
Tình ai…Là cô gái ngày ấy, cô gái thôn quê chân chất mộc mạc, có mái tóc dài thướt tha trong gió chiều, với mùi  hương sả, hương chanh trên mái tóc…Hai đứa cùng ngồi bên triền sông tựa vào vai nhau nghe tiếng lá thì thầm, nghe sóng xô ào ạt đêm trăng…
Vâng- Và hôm nay mái tóc đã điểm sương, ngồi bên đám cỏ may bên triền sông quê, một lần nữa anh cảm nhận, dòng máu trong tim bỗng trào dâng..
Mấy mươi mùa xa cách- Em có nhớ không, anh đã về đây em có hay?
Bến xưa trở lại đây
Tìm trong miền ký ức
Tình miên man vơi đầy…!!!
Thả mình nhớ về ký ức xưa, thấy mình trẻ lại, Bến sông vẫn còn đây, nước dưới sông vẫn chảy… Tình bồng bềnh trong mây…Chúng ta trân trọng cái khoảng khắc và những ký ức ngọt ngào của tác giả, trân trọng một thời để nhớ của Chu Quang Hiển, trân trọng những gì anh đã đóng góp cho đời, trân trọng những tác phẩm anh viết trong những năm qua với một tập thơ cho mình, cho người như thế…
Bến xưa của Chu Quang Hiển là vậy, anh tự sự chính mình và anh cũng nói cho đời, anh nói hộ tôi và nói với mọi người…
Những năm tháng đáng sống của một thời như thế…Thế hệ chúng tôi, những người cầm súng (tuổi đã ngoài 60 mùa lá đổ) , Bến xưa là một bài thơ hay, một kỷ niệm khó phai trong một cuộc đời: Có yêu thương, có chia xa, có ngậm ngùi là vậy,  luyến tiếc đấy, nghèn nghẹn đấy, nhưng chúng tôi tự hào và trân trọng những gì đã có, đã đi qua…
Bởi sự ngọt ngào nồng ấm đáng trân trọng của Bến xưa- Ngô Xuân Cường ( Hiệp Hòa) đã phổ nhạc và chắp cánh bay cho bài thơ, để chúng ta có một Bến xưa như thế- có một ca khúc cho đời- Bến xưa: Thơ Chu Quang Hiển- Nhạc Ngô Xuân Cường thể hiện ca khúc Hoàng Phương
Mời bạn đọc yêu Bến xưa Chu Quang Hiển có thể truy cập và nghe bài hát qua đường Link 

https://www.youtube.com/watch?v=qnm4G6hHnIs









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét